Bài hát sinh hoạt: “Hổng dám đâu”
“Trên cành cây chim hót mời em chơi giữa vườn xuân.
Bao bạn thân lấp ló gọi em tung tăng sân nhà.
Đá bóng với đá cầu nhảy dây bắn bi trốn tìm.
Ôi hấp dẫn tuyệt vời nhưng mà em hổng dám đâu.
Hổng dám đâu em còn phải học bài.
Hổng dám đâu em còn phải làm bài.
Sao khó ghê mai mình hãy ôn bài.
Hổng dám đâu hổng dám đâu.”
Giới thiệu đề bài:
- Qua bài hát vừa rồi, chúng ta thấy rất nhiều trò chơi hấp dẫn mà bạn bè rủ rê, nhưng bạn nhỏ trong bài hát đã quyết định thế nào em có biết không? Tại sao?
- Đúng rồi, bạn nhỏ đã từ chối nói không đi, vì còn phải học bài, còn phải ôn bài phải không nào. Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, trong rất nhiều tình huống, chúng ta phải biết nói “không!” để bảo vệ mình nhé. Hôm nay chúng ta sẽ cùng học bài “biết nói KHÔNG để bảo vệ bản thân mình”. Sau bài học, chúng ta sẽ biết tại sao phải biết từ chối đúng lúc, từ chối vào những trường hợp nào và từ chối ra sao nhé.
Câu chuyện trải nghiệm:
Và để bắt đầu cho bài học, chúng ta sẽ cùng nghe qua một câu chuyện như sau:
Vào một ngày nắng đẹp, khi Thủy và Hoa đang đi học về, cả hai bạn đang mải mê vừa đi vừa nói chuyện trên đường. Khi đến đoạn cánh đồng, nơi vắng người qua lại, chợt có một người đàn ông lạ đi xe máy tới, dừng xe trước mặt 2 bạn Thủy và Hoa. Chú ấy niềm nở nói:
- Có phải nhà cháu ở khu trên này phải không? Chú có biết bố mẹ cháu nè.
Không để cho 2 cô bé trả lời, người đàn ông nói tiếp:
- Chiều còn học nữa phải không? Tội nghiệp! nắng nóng thế mà phải đi bộ, nào lên đây chú chở về!
Không ngần ngại, Hoa nhảy lên xe người đàn ông lạ. Thấy vậy, Thủy vội vàng ngăn cản lại: - “Không được đâu Hoa ơi, không được đi theo người lạ mặt, Nguy hiểm lắm!”. Người đàn ông bỗng đổi nét mặt và quát lớn: - “mày im đi, tao quen bố mẹ nó mà”. Lúc đó, may có chú thôn trưởng đi qua, người đàn ông lạ mặt đã vội vàng chạy đi mất. Hiểu được sự tình câu chuyện, chú thôn trưởng đã ân cần dặn dò: “Hiện nay có rất nhiều kẻ lừa đảo, lợi dụng lòng tin của những đứa trẻ để tìm cách làm những việc xấu như bắt cóc tống tiền, buôn bán trẻ em. Vậy các cháu hãy cẩn thận nhé, lần sau, trong những trường hợp như vậy phải biết nói lời từ chối và tránh xa những kẻ lạ mặt”. – nào, giờ thì chúng ta về nhà thôi.
Kết thúc câu chuyện: - Phản ánh bằng cách đặt câu hỏi cho trẻ
- Em có thể nhắc lại được câu chuyện kể về cái gì nào?
- Trong câu chuyện vừa kể trên hai bạn nữ đã gặp tình huống như thế nào?
- Thử tưởng tượng, nếu như không có bạn Thủy ngăn cản, không có chú thôn trưởng thì bạn Hoa sẽ gặp phải chuyện gì?
- Nếu là bạn Hoa trong câu chuyện, em sẽ làm gì nếu trường hợp này lại xảy ra?
- Thông qua câu chuyện vừa rồi, em rút ra được điều gì cho bản thân mình không?
Nhắc lại ý kiến trả lời của trẻ,
Rút ra bài học: “Phải biết từ chối đúng lúc để bảo vệ bản thân mình!”
Giải thích cho trẻ những trường hợp cần từ chối:
Chúng ta phải biết từ chối để bảo vệ bản thân mình, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng từ chối. Vậy trường hợp nào thì cần từ chối, trường hợp nào thì không. Chúng ta cùng chơi trò chơi sau:
Thực hiện trò chơi sau: Một “Hộp bí ẩn” gồm các tình huống có sẵn, người dạy sẽ đọc to lên, sau đó trẻ sẽ nói nên từ chối hay không.
- Một người lạ mặt mua tặng em một món quà đắt tiền là chiếc điện thoại, hoặc bộ quần áo đẹp, một sợ dây chuyền.
- Em cùng bạn đi sinh nhật bạn trong lớp, đã muộn rồi và khi mọi người chuẩn bị về thì một anh xin được chở em về.
- Cuối tuần, anh hàng xóm rủ em đi câu cá ở ngoài suối, và chỉ có hai anh em thôi.
- Em đi học về, một người lạ mặt đưa em một gói bưu phẩm gói kín và nhừo em đưa đến một địa điểm gần đó.
- Em gặp một cụ già bị trượt chân té cầu thang và cần sự giúp đỡ. Em sẽ…
- Em ở nhà một mình, và nhân viên bưu điện đến đưa thư cho gia đình.
- Em đang chơi một mình ngoài sân, thì có một người lạ đến nói chuện và xin làm quen.
- Chú hàng xóm, vốn là bạn thân của bố em thường hay cho em tiền và dặn em không được nói cho ai biết.
- Người chú ruột của em thường xuyên bế em lên, hoặc thường xuyên sờ vào những chỗ kín của em trên cơ thể.
- Một cụ già đi đường, khát nước và ghé vào nhà xin một ly nước uống.
Chúng ta phải từ chối như thế nào?
Không phải khi nào chúng ta cũng cương quyết nói “Không!” là được, phải biết từ chối khéo léo để người khác bị từ chối những vẫn cảm thấy không bị tổn thương. Vậy chúng ta sẽ nói lời từ chối như thế nào?
Phải cảm ơn trước khi từ chối:
- Đây là việc đơn giản nhưng không phải ai cũng nhớ. Chúng ta có thể nói là : “cảm ơn anh…nhưng…” câu này có thể làm giảm đi cảm xúc tiêu cực ở người bị từ chối.
- Trẻ thực hành nói
Phải từ chối một cách lễ phép:
- Hãy nở một nụ cười khi từ chối và thật lễ phép, như vậy trẻ sẽ luôn nhận được sự yêu mấn từ mọi người.
- Trẻ thực hành nói….
Nêu ra lý do từ chối một cách trung thực:
- Với trẻ thì câu đơn giản nhất là “cháu chưa được phép của ba mẹ”, đó là một lý do nghiêm túc và trung thực mà bất kỳ ai cũng không thể nào ép buộc được thêm nữa.
- Trẻ thực hành nói…
Từ chối mềm mỏng nhưng kiên quyết:
- Trẻ con rất dễ bị dụ dỗ, nên chỉ cần thêm vài lời năn nỉ từ người khác thì trẻ sẽ bị siêu lòng, vì vậy, hãy cố gắng càng kiên quyết càng tốt.
- Trẻ thực hành nói…